HOICHOTHUONGMAI

Bài học xương máu cho Trung Quốc từ dịch SARS đến viêm phổi lạ corona

Thứ sáu - 31/01/2020 10:02
Dịch virus viêm phổi chủng mới corona 2019-2020 tiếp tục là bài học xương máu cho Trung Quốc sau đại dịch SARS chết người vào các năm 2002-2003. >> >>

Tình huống nguy hiểm

Dịch viêm phổi lạ, viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCov) gây ra ở Trung Quốc thực sự nghiêm trọng, với hàng ngàn người nhiễm bệnh và hơn 200 người tử vong cho tới nay (31/1/2020). Tất cả số bệnh nhân tử vong trên toàn cầu đều là người ở đại lục Trung Quốc. Nỗi lo lắng xuất hiện ở nhiều nơi trong xã hội Trung Quốc.

Ngày 31/1 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu cho dịch bệnh mới liên quan đến tân virus corona. Trung Quốc đã trở thành chiến trường trọng điểm trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Bài học xương máu cho Trung Quốc từ dịch SARS đến viêm phổi lạ corona

Cảnh sát Trung Quốc đeo khẩu trang đứng gác tại quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona mới bùng phát ở nước này. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình đó, những ngày gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp vô cùng kiên quyết để đối phó với nạn dịch viêm phổi lạ corona vừa bùng phát vào cuối năm 2019. Họ thậm chí đã tiến hành những biện pháp chưa từng có tiền lệ, như cách ly kiểm dịch thành phố Vũ Hán và nhiều thành phố đông dân khác (với tổng số dân nằm trong diện khoanh vùng cách ly có thể lên tới 60 triệu người).

Hậu quả của dịch bệnh trên đối với Trung Quốc rõ ràng là nặng nề. Các biện pháp phòng ngừa và chữa trị là rất tốn kém. Việc cách ly kiểm dịch được tiến hành trên quy mô hàng chục triệu người không phải là chuyện đơn giản, nó ảnh hưởng đến kinh tế nội địa cũng như hoạt động của ngoại thương và du lịch Trung Quốc. Nhiều nước đã quyết định ngừng thực hiện các chuyến bay sang Trung Quốc cũng như ngừng cho du khách Trung Quốc nhập cảnh.

Diễn biến mới của dịch corona gợi nhớ lại đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) trong các năm 2002 và 2003 đã khiến hơn 300 người ở Trung Quốc đại lục chết và gần 300 người ở Hong Kong (Trung Quốc) tử vong.

Căn bệnh viêm hô hấp cấp corona mới này cho thấy dù y khoa và khoa học kỹ thuật phát triển, các dịch bệnh lây nhiễm vẫn nguy hiểm chết người thế nào vào thập niên thứ 2 và 3 của thế kỷ 21 do các nước ngày nay đã liên kết và giao lưu với nhau rất chặt chẽ.

Áp lực lớn dồn lên Chủ tịch Tập Cận Bình

Trước mối đe dọa của dịch corona, cả hệ thống y tế và hệ thống chính trị Trung Quốc đều vào cuộc. Truyền thông Trung Quốc những ngày qua đã tuyên truyền về dịch bệnh, cách phòng chống, cũng như truyền tải thông điệp về quyết tâm “đánh bại dịch bệnh”. Ngôn ngữ truyền thông Trung Quốc thể hiện rõ ý định trấn an dư luận nước này trước “con ma” corona mới đang hiện hữu.

Nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trực tiếp chỉ đạo một cách gắt gao hoạt động phòng chống dịch corona. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường – Trưởng Tiểu ban chỉ đạo công tác ứng phó dịch bệnh viêm phổi virus corona, đích thân đi thị sát vùng dịch của Trung Quốc. Khí thế rất hừng hực như bước vào một cuộc chiến tranh nóng thực sự.

Lại thêm một áp lực nữa dồn nén lên Chủ tịch Tập Cận Bình, bên cạnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thời gian qua đã gây nhiều sóng gió cho nền kinh tế và thương mại Trung Quốc. Trong bối cảnh ông Tập Cận Bình tiến hành nhiều cải cách chính trị theo hướng tập trung quyền lực vào mình, thì khi xuất hiện khó khăn trở ngại, phần lớn sức ép đương nhiên sẽ dồn lên chính ông. Dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona không chỉ đe dọa an ninh y tế của Trung Quốc mà còn đe dọa an ninh xã hội, an ninh chính trị của Trung Quốc cũng như hình ảnh của nước này trên trường quốc tế, đồng thời tác động xấu cả trực tiếp và lâu dài vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết minh bạch hóa và hợp tác đầy đủ với cộng đồng quốc tế để khống chế dịch bệnh này.

Hành động có phần muộn màng?

Đáng lưu ý, dù đã có kinh nghiệm dày dạn từ đại dịch SARS 2002-2003, Trung Quốc ban đầu có phần chậm chạp, thụ động trong cách phản ứng với dịch này, khiến cho bệnh lan khá rộng với tốc độ nhanh ở thành phố Vũ Hán, ở tỉnh Hồ Bắc (với thủ phủ là Vũ Hán), và ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc. Bệnh dịch còn phát tán ra nhiều nước khác ở xung quanh và trên toàn thế giới. Theo tin tức mới nhất, Trung Quốc còn lâm vào tình trạng thiếu trang thiết bị ứng phó với lượng lớn ca nhiễm mới dù trước đó họ khẳng định với WHO là mình hoàn toàn đủ năng lực chống dịch.

Trung Quốc từng lộ những điểm yếu đáng kể trong đợt chống dịch SARS hồi 2002 và 2003, như về tốc độ phản ứng (chính quyền hồi đó thông báo chậm) và tính minh bạch trong thông tin. Mới đây Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc (Tân Hoa xã) tuyên bố rằng nước này hiện nay đã khắc phục được các điểm yếu trong đợt chống dịch SARS hồi đó. Tuy nhiên với việc chính thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận rằng giới chức thành phố đã không thông tin kịp thời cho công chúng về dịch bệnh corona này trong giai đoạn đầu cũng như phản ứng có phần bị động của chính quyền Trung Quốc vào cuối năm 2019 thì dường như nhiều yếu kém cũ vẫn được lặp lại.

Có thể, căn bệnh thành tích cũng như mối quan ngại về sự mất ổn định chính trị đã khiến quá trình cung cấp thông tin từ địa phương lên trung ương ở Trung Quốc ban đầu không được nhanh như kỳ vọng, khiến bệnh dịch diễn biến thêm phức tạp. Bệnh hình thức có lẽ vẫn tồn tại ở Trung Quốc, với một bộ phận cán bộ có tâm lý “giữ ghế”. Cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt vừa qua (do ông Tập phát động) càng làm một số vị quan chức thận trọng. Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc kiểm soát chặt chẽ thông tin (thể hiện rõ ở việc công khai chặn mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Google, kiểm duyệt internet, thiết lập hệ thống camera giám sát xã hội ở lãnh thổ đại lục...) và nhiều quy định nghiêm ngặt khác. Điều này một mặt có thể giúp hạn chế lan truyền thông tin ngoài ý muốn, nhưng mặt khác lại khiến quá trình truyền tải thông tin hữu ích bị chậm lại. Mà diễn biến của các căn bệnh như SARS hay corona chủng mới lại rất gấp gáp, khiến tính mạng con người có thể bị đe dọa từng giờ từng phút.

Tất nhiên Trung Quốc có một đặc điểm nữa là lãnh thổ rộng và dân số quá đông nên quá trình thông tin 2 chiều giữa trung ương và địa phương ở đây sẽ khó khăn hơn một chút so với các quốc gia có diện tích và dân số nhỏ hơn.

Có lẽ ý thức được các điều này nên trước tình hình cấp bách vừa qua, giới lãnh đạo Trung Quốc và cơ quan truyền thông nước này đã phải áp dụng các biện pháp cực mạnh và liên tục hối thúc minh bạch hóa thông tin.

Hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện tốt những gì họ đã cam kết với thế giới để có thể vượt qua cơn khủng hoảng corona này.

Theo Trung Hiếu

VOV

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

 Từ khóa: tiếp tục, bài học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập595
  • Máy chủ tìm kiếm112
  • Khách viếng thăm483
  • Hôm nay107,208
  • Tháng hiện tại2,698,061
  • Tổng lượt truy cập150,418,537
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây