Công an Bắc Kạn hỗ trợ nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
Thứ tư - 21/05/2025 05:56
Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNelD. Những ngày này, lực lượng Công an toàn tỉnh đang tổ chức tuyên truyền, vận động và hỗ trợ Nhân dân tham gia góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNelD. 108 xã, phường tại tỉnh Bắc Kạn đã thành lập tổ công tác tổ chức tuyên truyền lưu động và trực tiếp hướng dẫn cho người dân.
Công an Phường Sông Cầu hướng dẫn công dân góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên VNeID
Với đặc điểm là địa bàn miền núi, dân cư thưa thớt để không ảnh hưởng đến lao động sản xuất của người dân, lực lượng Công an tranh thủ cả thời gian ngoài giờ đến các hộ gia đình, tổ chức các buổi họp thôn để hướng dẫn nhân dân tìm hiểu và thực hiện các bước thực hiện góp ý trên VNeID.
Tại Công an Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, Trung tá Đinh Như Ngọc, Trưởng Công an phường cho biết, hiện nay lực lượng Công an phường đang tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền trực tiếp và đồng thời trên các nhóm Zalo, hướng dẫn người dân đã có tài khoản Định danh điện tử mức 2 thực hiện tham gia đóng góp ý kiến trên VNeID. Thông tin đầy đủ, thao tác nhanh, gọn nên người dân rất ủng hộ và chủ động nêu ý kiến, góp phần phản ánh trung thực nguyện vọng, mong muốn và sáng kiến của Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Việc góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên VNeID được nhiều bạn trẻ chủ động thực hiện
Việc tuyên truyền, vận động Nhân dân góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNelD đã phát huy vai trò của lực lượng Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng định danh điện tử quốc gia (VNelD) để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, minh bạch hóa quá trình lấy ý kiến và bảo đảm quyền được tham gia xây dựng pháp luật của mọi công dân./.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 02 nhóm nội dung, đó là (i) quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cầu tổ chức đảng): (ii) quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX đề tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đầy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.